Ban Bí thư: Ưu tiên bố trí vốn nhà nước phát triển nhà ở xã hội

Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.

Nội dung này nêu tại Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, Trung ương yêu cầu đến năm 2030, cả nước phải xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội tại đô thị.

"Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chỉ thị của Ban bí thư nêu.

Theo đó, Ban Bí thư đưa ra 5 yêu cầu phát triển nhà ở xã hội. Cơ quan này yêu cầu ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương trong phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Nhà nước phát triển nhà cho thuê bằng vốn đầu tư công và xã hội hóa nguồn vốn phát triển phân khúc nhà ở này.

Ban Bí thư cũng đề nghị nghiên cứu lập quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp, để xây dựng loại hình bất động sản này trong dài hạn.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Các dự án nhà cần được quy hoạch tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các trung tâm công nghiệp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội thiết yếu. Nhà ở xã hội cũng cần được phát triển đa dạng loại hình, trong đó tăng tỷ lệ cho thuê.

Cuối cùng, Ban Bí thư yêu cầu tăng hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội; phân cấp phân quyền cho địa phương. Các cấp ngành nghiên cứu thiết lập cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 195.000 căn nhà ở xã hội và khoảng 374.000 căn được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, Ban Bí thư nhìn nhận việc xây dựng loại nhà ở này vẫn còn hạn chế, nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 không đạt được. Nguồn cung loại nhà ở này hạn chế so với nhu cầu thực. Tỷ lệ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp, vốn ngân sách cho các chương trình tín dụng phát triển phân khúc nhà này còn thấp, chưa huy động được nguồn lực xã hội.

Nguyên nhân, theo Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội. Chính sách phát triển phân khúc này thiếu đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước.

Hiện, có 503 dự án nhà xã hội đang triển khai trên cả nước, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng ba dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An.

Để phát triển phân khúc này, năm ngoái Chính phủ đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê mua loại nhà ở này. Bộ Xây dựng cho biết đến nay có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.

Một số địa phương có nhiều dự án như Hà Nội (6 dự án), TP HCM (6), Bắc Ninh (6), Bình Định (5). Tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này sau hơn một năm đạt chưa tới 1%, khoảng 1.144 tỷ đồng. Vì thế, gần đây Bộ này đề xuất gói tín dụng mới cho nhà ở xã hội, với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại.

 

Anh Tú