Tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trở thành đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh, nghĩa tình.
Bình Dương là thủ phủ công nghiệp của vùng Đông Nam bộ, nhiều năm qua có tốc độ phát triển nhanh. Theo kết quả công bố của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2022, đạt 8,076 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh hiện có 4 thành phố là Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên. Thị xã Bến Cát dự kiến được công nhận thành phố thuộc tỉnh thời gian tới.
Hướng tới trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2030 tỉnh Bình Dương trên đà phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9-10%, kỳ vọng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ lên 30% GRDP, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, thương mại, giáo dục, chăm sóc sức khỏe trong khu vực, tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 90%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 393 - 419 triệu đồng. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng được hoàn thiện để trở thành đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ 4.0, xanh, tuần hoàn, hình thành một vành đai công nghiệp. Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số năm 2030 đạt 30-35% tổng GRDP, số người thất nghiệp ở mức dưới 3% và trở thành nhóm đầu các địa phương trong cả nước về lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế…
Để đạt các chỉ số này, Bình Dương dự tính đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối thủ phủ công nghiệp với các sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thanh, cảng Cái Mép - Thị Vải, xây dựng ga Sóng Thần thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng Đông Nam bộ, nghiên cứu, quy hoạch khoảng 10.000ha khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, trung hòa carbon. Trong khi đó, Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics được xây dựng quanh các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và các cao tốc qua địa bàn được được triển khai theo các giai đoạn.
Đối với ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, được khuyến khích chuyển đổi theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo chuỗi khép kín từ khâu nuôi trồng đến tiêu thụ. Ở mảng giáo dục, tỉnh khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, hợp tác nhiều bên để chuyển giao thành tựu nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương thực hiện dành quỹ đất cho các đại siêu thị, cao ốc văn phòng hình thành trung tâm tài chính tại các thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và trở thành trung tâm của đô thị. Đối với các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo sẽ phát triển các loại hình vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh chất lượng cao, kinh tế kho vận để mở rộng công nghiệp, kết nối với vùng lân cận là Tây Ninh, Bình Phước. Tại các khu vực vùng ven được định hướng quy hoạch phát triển du lịch ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, hình thành đô thị dọc sông, kết nối liên vùng Tây Ninh - Bình Dương – Đồng Nai – thành phố Hồ Chí Minh.