Nhà ở xã hội đang được tạo các hành lang chính sách và pháp lý để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các tín hiệu tích cực này hứa hẹn sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội hồi phục, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận nhà ở giá rẻ hơn.
Tín hiệu tốt cho thị trường nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2023 khi có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở xã hội. Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...
Những quy định này được Bộ Xây dựng đánh giá thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
Mới đây, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Với Chỉ thị 34/CT-TW, cả nước phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó là phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỉ lệ nhà ở xã hội cho thuê…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như: Vinhomes, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC,... và một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lên đến hàng chục ngàn căn. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thì chính quyền địa phương cũng vào cuộc để phát triển nhà ở xã hội.
Nguồn cung nhà ở xã hội cải thiện từ năm 2025
Dù đón nhận tín hiệu tích cực, nhưng để phân khúc này phát triển mạnh mẽ thì vẫn còn cần hỗ trợ thêm nhiều cơ chế. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố xác định giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển 5 khu nhà ở xã hội, quy mô 248 ha. Trong số này, công tác triển khai cho đến nay Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án, quy mô 203 ha, khoảng 12.300 căn hộ. Các dự án này đều có tên là khu đô thị mới – nhà ở xã hội. Trong đó, 2 khu ở huyện Đông Anh (xã Tiên Dương và xã Đại Mạch), 2 khu ở huyện Gia Lâm (xã Cổ Bi) và huyện Mê Linh (xã Tiền Phong).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định quyết tâm khởi công ít nhất 1 dự án nhà ở xã hội trước tháng 10/2024. Và đến hết 2025, thành phố hoàn thành 3 dự án, quy mô 1.700 căn hộ thì mới chỉ đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp.
Ngoài Hà Nội, thị trường nhà ở xã hội đang đón một loạt dự án mới trong khoảng 3 tháng gần đây. Nguồn cung của phân khúc này tiếp tục được bổ sung ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Hải Phòng, 806 căn nhà ở xã hội thuộc dự án Tổng kho 3 Lạc Viên ở quận Ngô Quyền mới được thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên do Công ty cổ phần Thái – Holding làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 4.900 tỷ đồng. Quy mô xây dựng dự án gồm 10 khối nhà chung cư cao 15 tầng gồm 4.456 căn hộ nhà ở xã hội và 163 căn hộ thương mại cao 7 tầng, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ với các khu dân cư lân cận.
Trong tháng 5/2024, dự án nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 tại phường Nhơn Phú, tỉnh Bình Định do Công ty TNHH Solrise Nhơn Phú làm chủ đầu tư cũng mở bán đợt 1 với 209 căn hộ. Dự án được xây trên khu đất rộng hơn 3,8ha, gồm 4 toà nhà độc lập, cao từ 9 - 12 tầng với tổng số căn hộ khoảng 714 căn, quy mô dân số 2.234 người, tổng chi phí thực hiện gần 730 tỷ đồng. Dự án có giá bán gần 12 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 420 - 816 triệu đồng/căn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định để giải quyết nguồn cung nhà ở xã hội thì cần phải sớm tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nhà nước. Làm nhà ở xã hội khá mệt mỏi, bởi các quy trình thủ tục, biên lợi nhuận vốn đã thấp nay còn bị thu hẹp từ 10% trở xuống sẽ khiến các doanh nghiệp không mặn mà. Do vậy, nhà nước cần phải linh động, phải ghép quy trình để làm song song cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung ra thị trường.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, với những điểm mới trong Luật Nhà ở 2023, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện từ năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2027 sẽ "bùng nổ" nguồn cung, giá nhà chung cư ở nội thành từ đó sẽ hạ nhiệt.
"Các luật mới có hiệu lực sẽ phần nào tháo gỡ những nút thắt lâu nay trong quá trình triển khai dự án, từ đó giải phóng nguồn cung, giúp giảm giá nhà, ổn định thị trường. Đặc biệt, thời gian tới, phân khúc nhà ở xã hội có thể sẽ bứt phá mạnh về nguồn cung khi các quy định mới cho phép dự án được triển khai thuận lợi hơn, nhanh hơn. Đây cũng là giải pháp căn cơ để giảm cơn sốt giá nhà", ông Quê nhận định.