Nới điều kiện cho người mua nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cắt giảm trình tự, thủ tục thực hiện đồng thời đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội.

Người bán nhà ở xã hội sau 5 năm sẽ không phải đóng 50% tiền sử dụng đất như hiện nay.
Người bán nhà ở xã hội sau 5 năm sẽ không phải đóng 50% tiền sử dụng đất như hiện nay.

Có lợi cho người mua nhà

Theo dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội, người bán nhà xã hội (là căn nhà chung cư) sau 5 năm sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất, còn chủ đầu tư bán lại loại nhà ở này sau 10 năm cho thuê, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất.

Đây là điểm mới so với quy định hiện hành tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP: Nếu bán nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư thì người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó. Trong trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá đây là điểm thay đổi đột phá của Luật Nhà ở 2023 sửa đổi.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành rà soát và xem xét kỹ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ xây ở vùng sâu, vùng xa. Bởi khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ phải nộp tiền sử dụng đất, nếu quy định này được áp dụng. Việc xem xét này, theo ông, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân ở vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhiều ý kiến đề nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỉ lệ tối thiểu là 20%.

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị ghi rõ số tiền chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp vào ngân sách tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội chỉ sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú kiến nghị bổ sung nội dung khuyến khích chủ đầu tư nhà ở thương mại trong dự án phát triển đô thị, dành kinh phí đầu tư xây nhà ở xã hội tại quỹ đất được bố trí thay vì nộp tiền vào ngân sách.

Kết luận một số nội dung quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.

>> Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét các kiến nghị tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản phía Nam - Xu hướng đầu tư"

Tiền đề quan trọng cho phát triển nhà ở

Trước đó, Quốc hội đồng ý đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là điểm tựa quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản, trong đó với Luật Nhà ở, những điều chỉnh mới giúp Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia có thể sớm về đích.

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm sẽ đẩy nhanh nguồn cung nhà ở mới. Ảnh: DH
Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm sẽ đẩy nhanh nguồn cung nhà ở mới. Ảnh: DH

Theo Bộ Xây dựng, việc sớm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. Đồng thời, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, công khai và minh bạch.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS nhận định rằng, các luật mới có hiệu lực sớm có cơ sở tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án bất động sản, giúp tăng nguồn cung và bình ổn thị trường. Tuy nhiên, nhiều dự án sẽ phải quay lại hoàn thiện thủ tục như đấu thầu, đấu giá hay quy hoạch chưa phù hợp.

Ngoài ra, các chính sách khuyến khích phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội... nhờ đó sẽ thúc đẩy các dự án hơn. “Bất động sản sẽ tăng trưởng tốt hơn khi các luật có hiệu lực sớm, nhưng thị trường sẽ không 'bùng' lên, mà phát triển ổn định. Việc kiểm soát tốt hơn, các hoạt động đầu tư kinh doanh, môi giới dịch vụ cũng được quản lý chặt hơn... giúp thị trường minh bạch, công bằng và bền vững”, ông Đính nhìn nhận.