Dù đã tăng mạnh, nhưng giá đất Bình Dương hiện vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với TP.HCM. Việc sáp nhập từ 12/6/2025 được dự báo sẽ tạo sức ép điều chỉnh mặt bằng giá, nhất là tại các khu vực giáp ranh và có hạ tầng kết nối tốt.
Thông tin sáp nhập thu hút giới đầu tư đổ bộ khu vực sát cạnh trung tâm TP.HCM tìm sản phẩm ưng ý. Nguồn 24h
TP.HCM dẫn trước Bình Dương về giá đất ngay trước sáp nhập
Thị trường bất động sản Bình Dương đã có những biến động đáng chú ý sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá đất mới vào ngày 24/12/2024. Theo đó, giá đất tại nhiều tuyến đường đô thị đã được điều chỉnh tăng từ 30% đến 80% so với khung giá trước đó.
Tại TP. Thủ Dầu Một, mặt bằng giá hiện nay phổ biến khoảng 60 triệu đồng/m², tập trung ở các trục đường lớn như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám và Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13),... khu vực phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.
Tuy nhiên, dù đã điều chỉnh mạnh, giá đất Bình Dương vẫn đang ở khoảng cách rất xa so với TPHCM nơi thị trường đã được định vị ở mức cao hơn đáng kể. Cụ thể, theo Quyết định điều chỉnh bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành ngày 21/10/2024 (hiệu lực từ 31/10/2024), giá đất tại các tuyến “đất vàng” như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (Quận 1) đã đạt ngưỡng 687,2 triệu đồng/m², tăng hơn 4 lần so với bảng giá trước đó. Các tuyến đường khác như Hàm Nghi, Hàn Thuyên cũng ghi nhận giá khoảng 430 triệu đồng/m².
Tại TP. Thủ Đức khu vực mới và năng động phía Đông TP.HCM giá đất cao nhất cũng đã vươn đến mốc 295 triệu đồng/m², đặc biệt tại các tuyến đường như Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành và Nguyễn Cơ Thạch.
Ngay cả ở các huyện ngoại thành TP.HCM như Hóc Môn hay Củ Chi, bảng giá đất cũng có xu hướng tăng. Đơn cử, đường Song Hành quốc lộ 22 hiện được định giá 32 triệu đồng/m², tiệm cận với mức giá trung bình cao nhất tại Bình Dương.
Như vậy, mức giá đất cao nhất tại TP.HCM hiện đang gấp hơn 13 lần so với Bình Dương, cho thấy một khoảng cách rõ rệt giữa hai thị trường, ngay trước thời điểm Bình Dương chính thức “về chung nhà” với TP.HCM từ ngày 12/6/2025. Khoảng cách này được xem là dư địa tăng giá đáng kể cho bất động sản Bình Dương trong giai đoạn hậu sáp nhập.
Bất động sản Bình Dương bước vào chu kỳ tăng giá mới sau sáp nhập
Theo các chuyên gia, bảng giá đất do Nhà nước ban hành thường chỉ phản ánh khoảng 60–70% so với giá thị trường thực tế. Khi có những yếu tố tạo kỳ vọng mạnh mẽ như thông tin sáp nhập, thị trường thường phản ứng rất nhanh, thể hiện rõ qua việc giá đất được đẩy lên cao chỉ trong thời gian ngắn.
Cụ thể, kể từ ngày 12/6/2025 thời điểm nghị quyết sáp nhập Bình Dương vào TP.HCM chính thức có hiệu lực, hàng loạt thay đổi mang tính chiến lược được dự báo sẽ diễn ra. Những điều chỉnh lớn về quy hoạch, tăng cường đầu tư công, mở rộng không gian đô thị và tái cấu trúc dân cư sẽ tạo nền tảng mạnh mẽ cho giá trị quỹ đất tăng trưởng cả về giá lẫn khả năng khai thác.
Việc Bình Dương “nâng hạng” trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng kéo theo kỳ vọng về hạ tầng, tiện ích và chất lượng sống ngày càng nâng cao. Điều này tạo sức ép lên hệ thống quy hoạch mới, giúp dòng vốn đầu tư công được phân bổ mạnh mẽ hơn vào giao thông, dịch vụ và đô thị hóa. Kết quả, những khu vực giáp ranh TP.HCM hoặc có kết nối hạ tầng tốt sẽ trở thành điểm hút vốn đầu tư, với giá đất tăng đáng kể nhờ sức cầu từ cả giới đầu tư lẫn người mua ở thực.
Các chuyên gia nhận định rằng, bất động sản khu vực này đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, đặc biệt những nơi có khả năng phát triển thành khu đô thị vệ tinh hay trung tâm công nghiệp logistics. Trên thực tế, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, chỉ trong quý I/2025, sau khi xuất hiện thông tin về sáp nhập, giá rao bán bất động sản tại Bình Dương đã tăng tới 700% so với quý I/2015. Riêng trong tháng 3/2025, lượng tìm kiếm bất động sản tại đây đã tăng 49%, mức tăng cao nhất trong các vùng vệ tinh TP.HCM.
Dự báo trong vòng 1–2 năm tới, giá bất động sản tại Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Bắc giáp ranh trung tâm TP.HCM, có thể tăng từ 30–55%, nhờ tâm lý kỳ vọng, nhu cầu nhà ở thực và làn sóng đầu tư đổ vào các khu vực gần khu công nghiệp. Những nơi có mật độ lao động cao và nhu cầu an cư rõ nét sẽ tiếp tục là tâm điểm phát triển.
Bên cạnh đó, khi quy hoạch đô thị, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội tại Đông Bắc TP.HCM được nâng cấp theo tiêu chuẩn của một đô thị loại đặc biệt, mặt bằng giá mới là điều hoàn toàn có thể dự báo. Khu vực này, nằm liền kề Thủ Đức và được kết nối bởi các trục giao thông chiến lược như Quốc lộ 13, đường ven sông Sài Gòn, Vành đai 3 – 4 và tuyến metro số 2, được đánh giá là điểm sáng tăng trưởng trong thời gian tới.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia khuyến nghị ưu tiên đầu tư vào các khu vực sát ranh TP.HCM, nơi hội tụ hạ tầng tốt và dư địa tăng giá rõ rệt. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn dự án, chỉ nên đầu tư vào các sản phẩm có pháp lý minh bạch, quy hoạch ổn định, chủ đầu tư uy tín để hạn chế rủi ro và bảo toàn nguồn vốn dài hạn.
Nguồn tin 24h