Sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM giờ đây vươn tầm cao mới trở thành một siêu đô thị với diện tích, dân số và quy mô kinh tế vượt trội, tiệm cận với Bangkok, Jakarta và tiến gần đến Singapore và Thượng Hải.
Bảng so sánh Thành Phố Hồ Chí Minh mới với một số siêu đô thị Châu Á. Nguồn Địa Ốc Á Châu
Với tổng diện tích mà TP.HCM mới đạt là 6.770,3 km², tăng 223% so với TP.HCM hiện tại (2.095 km²), nhờ có thêm Bình Dương (2.694,7 km²) và Bà Rịa - Vũng Tàu (1.980,8 km²).
Quy mô này giúp TP.HCM mới lớn hơn Thượng Hải (6.340 km²) và gấp gần 10 lần tổng diện tích Singapore (728 km²), tương đương với diện tích Bangkok (7.762 km²) và Jakarta (7.600 km²).
Về dân số TP.HCM mới đạt tới 12,574 triệu người, trong đó, bao gồm TP.HCM cũ (9 triệu), Bình Dương (2,426 triệu) và Bà Rịa - Vũng Tàu (1,148 triệu), ước tính tăng 140% so với hiện tại.
Tổng GRDP của TP.HCM mở rộng ước tính đạt khoảng 2,717 triệu tỷ đồng (~ 121,1 tỷ USD), trong đó TP.HCM cũ đóng góp khoảng 1,78 triệu tỷ đồng (~ 70 tỷ USD), Bình Dương 520.205 tỷ đồng (~ 21,7 tỷ USD) và Bà Rịa - Vũng Tàu 417.306 tỷ đồng (~ 17,4 tỷ USD), đưa GRDP bình quân đầu người đạt lên khoảng 9.600 USD, cao hơn mức trung bình cả nước. Xét về quy mô kinh tế, TP.HCM mới vượt qua Kuala Lumpur (80 tỷ USD) và Jakarta (100 tỷ USD), gần bằng Bangkok (130 tỷ USD), nhưng vẫn còn cách xa Singapore (500 tỷ USD) và Thượng Hải (700 tỷ USD).
Quan trọng hơn, việc mở rộng không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược để xây dựng TP.HCM trở thành siêu đô thị biển hàng đầu Đông Nam Á. Với hệ thống hạ tầng hiện đại, hướng tới mô hình phát triển tương tự Thượng Hải, Bangkok và Singapore. Đây sẽ là động lực quan trọng để nâng cao được sức cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, phát triển xuất khẩu, cũng như củng cố được vị thế đầu tàu kinh tế của Việt Nam trong khu vực.
Nguồn Market Times