Trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm, giá tăng cao, thì các đô thị vệ tinh TP.HCM như Bình Dương là tâm điểm của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bởi các địa phương này có lợi thế là có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn.
Báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô. Tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai...
Cùng quan điểm với báo cáo của Bộ Xây dựng, các chuyên gia tại tọa đàm "Xu hướng thị trường bất động sản sau Covid-19" diễn ra mới đây cũng đánh giá TP.HCM từ lâu vẫn luôn là đầu tàu phát triển cho thị trường bất động sản phía Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, giá bất động sản tại khu vực này không ngừng tăng cao do nhu cầu nhà ở luôn vượt gấp nhiều lần nguồn cung. Vì vậy, các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế phía Nam đã có sự phát triển hạ tầng rất mạnh, dẫn dắt thị trường bất động sản các khu vực như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong đó, thị trường đang tập trung phát triển mạnh hàng loạt các dự án lớn là Bình Dương. Liên tục trong thời gian gần đây, Bình Dương trở thành điểm nóng thu hút các đại gia địa ốc phát triển dự án mới.
Bình Dương là một trong những địa phương đã xây dựng được hệ thống hạ tầng tốt nhất mà hạt nhân trung tâm là thành phố mới Bình Dương. Bình Dương có hàng loạt tuyến đường rộng từ 4 đến 10 làn xe, các tuyến giao thông huyết mạch giúp kết nối Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh cũng đang dần hoàn thiện như quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, đường Vành đai 3, Vành đai 4,…
Trong tương lai, chính quyền Bình Dương sẽ đầu tư thêm các tuyến metro và đường sắt đô thị nhằm gia tăng kết nối với TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, thông tin tỉnh Bình Dương đã kiến nghị với Chính phủ sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – TP.Thủ Dầu Một – Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13 đoạn thuộc TP.HCM để tăng kết nối, lưu thông vùng.
Đáng chú ý, sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp từ làn sóng các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng nhà máy ở các đô thị trung tâm như VSIP 1,2, KCN Nam Tân Uyên, KCN Tân Đông Hiệp, KCN Sóng Thần đã tạo ra một lượng lớn việc làm, thu hút hơn 50.000 chuyên gia và kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc. Từ đây, hình thành nhu cầu nhà ở đang tăng mạnh. Do đó, thị trường này được dự báo sẽ có tốc độ hấp thụ khá tốt trong thời gian tới.
Trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm, giá tăng cao, thì các đô thị vệ tinh TP.HCM như Bình Dương sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bởi các địa phương này có lợi thế là có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng cùng các khu công nghiệp khiến các khu vực này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở.