Việc xem xét thêm phương án tính thuế chuyển nhượng bất động sản đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có không ít người đang hiểu sai về đề xuất của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đang xem xét bổ sung phương án tính thuế 20% trên lãi bán bất động sản, bên cạnh phương án 2% trên giá bất động sản chuyển nhượng hiện nay. Nguồn Znews
Theo Bộ Tài chính, đơn vị này đang nghiên cứu phương án áp dụng thuế thu nhập cá nhân 20% trên tiền lãi chuyển nhượng bất động sản, đối với trường hợp người bán chứng minh được giá mua và các chi phí liên quan đến tài sản. Trong trường hợp không xác định được chi phí đầu vào, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo tỷ lệ 2% trên giá trị chuyển nhượng theo hợp đồng.
Đề xuất mới về thuế chuyển nhượng bất động sản: Hiểu đúng để tránh hiểu lầm
Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn tài chính và bất động sản độc lập, cho rằng cần làm rõ những hiểu nhầm phổ biến đối với phương án mà Bộ Tài chính đề cập.
Nhiều người nghĩ Bộ Tài chính muốn bỏ cách tính cũ, tức bỏ phương án áp thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng, thay vào đó là áp dụng mức thuế 20% trên lãi chuyển nhượng cho toàn bộ giao dịch bất động sản. Chuyên gia nhấn mạnh đây là cách hiểu sai. Thực tế, phương án tính thuế 20% nếu được áp dụng, sẽ được dùng song song với phương án cũ. Phương án áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng được dùng trong trường hợp người bán làm rõ được các chi phí đầu vào. Nếu không, vẫn có thể áp dụng phương án cũ.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng cần phân biệt giá chuyển nhượng bất động sản (giá bán bất động sản) áp thuế 2%, với thu nhập chịu thuế (bằng giá bán bất động sản trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản) áp thuế 20%.
Ông lấy ví dụ một bất động sản được bán với giá 5 tỷ đồng, thì với cách tính thuế hiện nay, thuế thu nhập cá nhân phải đóng tương ứng là 100 triệu đồng (2% của 5 tỷ đồng). Còn với cách tính mới, nếu người bán chứng minh được các chi phí đầu vào, trong đó giả sử giá mua 4 tỷ đồng, các chi phí liên quan (phí trước bạ khi mua, phí sửa chữa nhà, phí lãi vay 2 năm, phí môi giới khi bán, phí công chứng...) là 800 triệu đồng, thì thuế phải đóng chỉ là 40 triệu đồng (20% trên 200 triệu đồng lãi ròng).
Từ thực tế này, chuyên gia cho rằng không có trường hợp người bán lỗ phải chịu thuế nếu áp dụng cách tính thuế 20% trên lãi ròng chuyển nhượng bất động sản. Ngược lại, ông cho rằng quy định đóng thuế 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản hiện nay mới phát sinh bất cập bán lỗ vẫn phải chịu thuế. Còn phương án thuế 20% sẽ giúp những người bán lỗ chứng minh được các chi phí liên quan để không phải đóng thuế.
Tương tự, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh nền tảng Batdongsan.com.vn, cũng khẳng định việc đưa ra mức thuế 20% trên lợi nhuận là nâng cao tính minh bạch và công bằng trong khâu thu thuế bất động sản.
Hiện nay, mức thuế 2% áp dụng trên toàn bộ giá bán khiến người có lợi nhuận thấp và người có lợi nhuận lớn đều chịu cùng tỷ lệ, dẫn đến xung đột về phân bổ gánh nặng thuế. Việc tính thuế theo lợi nhuận thực giúp phân biệt rõ người có lợi nhuận cao sẽ đóng thuế nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc công bằng. Về lo ngại chịu thuế khi bán lỗ, ông Tuấn cho rằng giải pháp quan trọng là người nộp thuế được trình bày chứng từ chi tiết, hoặc nếu không thể chứng minh được thì chọn mức 2% trên tổng doanh thu.
Lo ngại tăng giá bất động sản
Dù vậy, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng một hệ quả cần tính đến khi bổ sung phương án tính thuế mới là nguy cơ làm tăng giá bất động sản. Theo chuyên gia, các nhà đầu tư phần lớn chỉ quan tâm lợi nhuận trên một sản phẩm, nên khi tính thuế 20% cộng thêm phí môi giới 1-3% thì giá bán đầu ra sẽ cộng thêm đúng chi phí này. Điều này làm tăng giá bất động sản hoặc có trường hợp công chứng hai giá gây thất thu cho ngân sách. Chưa kể, ông Tuấn cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua giai đoạn trầm lắng và đang dần phục hồi. Mức thuế 20% trên lợi nhuận có thể khiến nhà đầu cơ ngắn hạn dè chừng, ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân), mục đích chính của việc đánh thuế nói chung là chống tình trạng găm giữ, tránh tạo ra các đô thị ma và giảm bất bình đẳng, đồng thời giúp tăng cung, giảm giá và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đánh thuế cao trên tiền lãi chuyển nhượng là hạ sách, có nguy cơ làm tăng tình trạng giam giữ, ít có khả năng hạ giá bất động sản, bởi gánh nặng thuế sẽ bị chia sẻ giữa người mua và người bán. Còn phương án đánh thuế theo thời gian nắm giữ như đề xuất trước đó có thể xem là trung sách bởi chủ yếu đánh vào nhóm cò đất, những người lướt sóng ngắn hạn.
Ông cho rằng giải pháp đánh thuế hàng năm vào căn nhà, mảnh đất thứ hai trở đi mới là thượng sách trong bộ chính sách thuế nhằm lành mạnh hóa thị trường. Bởi phương án này sẽ làm tăng nguồn cung, giảm tình trạng găm giữ, giảm giá, giảm tình trạng lệch lạc của thị trường lao động, giáo dục và lựa chọn nghề nghiệp.
Đồng thời, Nhà nước cũng có nguồn thu ổn định thay thế cho các sắc thuế đang tác động lớn đến động lực sản xuất và lao động như thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Công Ty Cổ Phần Phát Triển Địa Ốc Á Châu các chính sách pháp lý luôn được rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng và đúng luật. Công ty luôn chủ động cập nhật thông tin pháp lý mới, hỗ trợ khách hàng hiểu đúng về nghĩa vụ thuế, từ đó đảm bảo quy trình giao dịch minh bạch, tránh hiểu lầm và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Việc tuân thủ đúng các phương án thuế được quy định không chỉ giúp công ty hợp pháp hóa toàn bộ hoạt động chuyển nhượng, mà còn thể hiện tinh thần tôn trọng pháp luật và giữ vững uy tín thương hiệu trong ngành bất động sản.
Nguồn tin Znews