Môi giới bất động sản - phát triển theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch

Theo các chuyên gia, đội ngũ môi giới bất động sản thời gian qua đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Những người làm môi giới đã khẳng định được vai trò trong việc kết nối người mua và người bán; khai phá các thị trường tiềm năng, kích thích nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Lực lượng môi giới bất động sản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Ảnh tư liệu
Lực lượng môi giới bất động sản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Ảnh tư liệu

Nhiều môi giới "có nghề" nhưng chưa có chứng chỉ

Các chuyên gia của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cách đây 30 năm, Luật Đất đai năm 1993 ra đời cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường bất động sản Việt Nam hình thành và phát triển. Năm 2006, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Kinh doanh bất động sản đầu tiên, trong đó có các nội dung liên quan tới hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng bất động sản và hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản. Từ đây, nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam được khai sinh, được thừa nhận, địa vị pháp lý của nhà môi giới được xác lập rõ ràng.

Môi giới bất động sản - phát triển theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch
Để việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản của Nhà nước thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia, phải làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề. Cần giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà môi giới chủ trì việc cấp, quản lý mã số định danh và tham gia vào việc giám sát hội viên thực hiện đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch (VARS)

Cho đến nay, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, lực lượng môi giới bất động sản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Thông qua lực lượng trung gian này, hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng đã được kết nối thực hiện mỗi năm. Thực tế, những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường bất động sản, vai trò của nhà môi giới bất động sản ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề. Dù người làm môi giới đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch, nhưng lại chưa có chứng chỉ chỉ vì không có “suất" thi.

Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng. Tỷ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ví dụ tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới bất động sản hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2 - 3 lần trong năm, với khoảng 2 - 3 nghìn lượt thí sinh tham dự. TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều vùng, địa phương, có nhu cầu về chứng chỉ rất lớn nhưng không tổ chức bởi không đủ nguồn lực, kinh nghiệm, chuyên môn thực hiện, lo ngại sai sót…

Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trải qua quá trình hình thành và phát triển của thị trường bất động sản, đội ngũ môi giới bất động sản đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, quy định người tham gia công tác môi giới cần có chứng chỉ, do vậy khi luật này có hiệu lực, nhiều nhân viên chưa có chứng chỉ sẽ không được phép hoạt động.

Ông Đính khẳng định, với những quyết sách từ Chính phủ, Quốc hội, thời gian tới hoạt động môi giới sẽ đi vào nề nếp, chính quy hơn, xây dựng thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới bất động sản.

Nâng cao vị thế nghề môi giới bất động sản

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực VARS cho biết, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi ấn tượng khi hàng nghìn khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, hàng triệu triệu mét vuông sàn nhà ở được đưa vào sử dụng và mỗi năm lại có thêm hàng vạn người được sở hữu ngôi nhà mới. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của những người làm nghề môi giới bất động sản. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn của thị trường, những người làm nghề môi giới chân chính cũng thể hiện được sự bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ để ở lại với nghề.

Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 15 địa phương trên 63 tỉnh thành tổ chức các kỳ thi chứng chỉ môi giới bất động sản. Trước thực trạng đó, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 đã được thông qua đã có các quy định mới về phương thức tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Cụ thể, theo Luật Kinh doanh Bất động sản mới, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Ngoài phân cấp cho Sở Xây dựng tổ chức kỳ thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng có thể giao hoặc ủy quyền cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Quy định mới này phù hợp hơn theo quan điểm về một kỳ thi quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thi cử, tránh phát sinh tiêu cực. Thông qua việc rà soát nhu cầu thi, các kỳ thi sẽ được lên kế hoạch tổ chức với quy mô tương ứng. Người làm nghề buộc phải có thái độ nghiêm túc trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật, cũng như trải qua đào tạo và sát hạch nghiêm túc để có thể thông qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Để hướng đến một thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, nâng cao vị thế nghề môi giới, bảo vệ các nhà môi giới bất động sản chân chính, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chỉ định cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản đúng luật.

Yêu cầu các địa phương báo cáo triển khai dự án nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản số 3254/BXD-QLN về việc báo cáo, cập nhật số liệu triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tình hình triển khai thực hiện diện tích quỹ đất hiện có và diện tích quỹ đất theo quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng; các dự án đã hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay; dự kiến các dự án hoàn thành trong năm 2025. Đồng thời, tiến hành rà soát, cập nhật số liệu phát triển nhà ở xã hội; báo cáo các khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện; các giải pháp và kiến nghị để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới và mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã đề ra.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm hoàn thiện báo cáo gửi về Bộ trước ngày 10/6 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.