VẼ LẠI BẢN ĐỒ KHU CÔNG NGHIỆP: MỞ RỘNG SIÊU VÙNG KINH TẾ MỚI

Sau sáp nhập các địa phương có thế mạnh công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ tái định hình không gian phát triển mà còn mở ra dư địa lớn để tái cấu trúc toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất - logistics - xuất khẩu.

Sau sáp nhập 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu mở ra dư dịa lớn cho

bất động sản phía Nam 

Không gian phát triển mới cho khu công nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã nhấn mạnh chiến lược phát triển vùng theo mô hình “1 không gian - 3 khu vực bao gồm các khu vực “thủ phủ tài chính và công nghệ cao”, “thủ phủ công nghiệp” và “thủ phủ kinh tế biển” trong phiên họp về phát triển kinh tế đầu tiên sau sáp nhập. 

Thực tế, trong nhiều năm qua, TP.HCM gặp khó khăn về quỹ đất sạch, với chỉ khoảng 74 ha đất khu công nghiệp có thể thu hút đầu tư và phân tán, nhỏ lẻ, nhiều dự án chậm tiến độ do vướng thủ tục và giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, Bình Dương cũ - thủ phủ công nghiệp phía Nam đã phát triển 29 khu công nghiệp với diện tích hơn 12.745 ha, tỷ lệ lấp đầy nhiều nơi đạt 100%. Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu lợi thế đặc biệt về hạ tầng cảng biển nước sâu như Cái Mép - Thị Vải, đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu và logistics. Sự liên kết ba địa phương đã tạo nên một siêu đô thị công nghiệp - logistics với tiềm lực và quy mô chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế miền Nam.

Theo ông Lê Văn Thinh - Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA), mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 là thu hút đầu tư từ 20-21 tỷ USD, suất đầu tư bình quân đạt từ 8-10 triệu USD/ha. Hệ thống quy hoạch cũng sẽ mở rộng 13.000 - 13.300 ha đất khu công nghiệp, trong đó khoảng 6.800 ha sẵn sàng cho thuê. Bên cạnh đó, sẽ có 4-5 khu công nghiệp sinh thái được phát triển, cùng với việc xây dựng và chuyển đổi thí điểm 5-6 khu chế xuất theo mô hình hiện đại.

Định hướng mới sẽ chuyển trọng tâm từ phát triển khu công nghiệp đơn thuần sang xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại, tích hợp đầy đủ tiện ích xã hội, tạo điều kiện sống, làm việc tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút chuyên gia và nhân sự chất lượng cao.

“Miền Đất Hứa” Cho khu Công Nghiệp quy mô lớn

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc tích hợp các vùng quy hoạch giúp loại bỏ những bất cập trong thủ tục, quy trình, chi phí và giải phóng mặt bằng giữa các địa phương.

Các điểm nóng FDI như TP.HCM hay Bình Dương sẽ có cơ hội tái cấu trúc, mở rộng khu công nghiệp theo đúng nhu cầu thực tế, đồng thời giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ thủ tục đầu tư thống nhất, tránh cảnh kẹt giữa ranh giới hai tỉnh như trước đây. Khi các quy hoạch khu công nghiệp, logistics, cảng biển và giao thông hạ tầng được tích hợp đồng bộ, sẽ hạn chế tình trạng chồng chéo, cạnh tranh ngầm hay khuyến mãi thiếu kiểm soát, vốn là yếu tố dễ làm méo mó thị trường.

Theo VCBS sau sáp nhập, tổng diện tích khu công nghiệp của cụm TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu đã vượt mốc 33.000 ha. Khu vực này đang hình thành một vùng công nghiệp - hậu cần - xuất khẩu quy mô lớn nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 51 và các cụm cảng lớn như Cát Lái, Cái Mép. Đặc biệt, cảng Cái Mép - Thị Vải được định vị là cửa ngõ xuất khẩu chính cho toàn cụm, đóng vai trò trung tâm của dòng chảy thương mại quốc tế từ miền Nam ra thế giới.

TP.HCM cũ không còn chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp thì có thể linh hoạt chuyển dự án sang Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi vẫn còn dư địa quy hoạch và quỹ đất rộng. Theo ông Thomas Rooney - Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định việc sáp nhập các địa phương không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện để quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp mới với quy mô lớn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mặt bằng sản xuất đang tăng cao. Nhờ vậy, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ dễ dàng tiếp cận các vị trí chiến lược để đặt nhà máy, thay vì phải “đỏ mắt” tìm đất như trước.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi địa giới hành chính được mở rộng và thống nhất, các nhà quy hoạch có thể xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp tổng thể và hiện đại hơn.

Thay vì các khu công nghiệp nhỏ lẻ, phân mảnh, các địa phương sẽ có khả năng phân vùng chức năng rõ ràng, phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, khu công nghệ cao phục vụ sản xuất bán dẫn hay trung tâm logistics quy mô lớn gắn liền với chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đây chính là điều mà nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh, nơi toàn bộ chuỗi sản xuất có thể được triển khai liền mạch trong cùng một không gian. Với lợi thế về quy mô, hạ tầng và năng lực quản lý được nâng cấp, các địa phương sau sáp nhập sẽ có cơ hội vươn lên, giữ vai trò cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn Đầu tư chứng khoán

Địa Ốc Á Châu