Thực trạng bức tranh bất động sản 2024: 3 luật sớm có hiệu lực tạo động lực cho thị trường

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt của thị trường bất động sản Việt Nam khi 3 bộ luật mới có hiệu lực, hanh thông hành lang pháp lý, gỡ vướng thủ tục, thúc đẩy nguồn cung. Tuy nhiên, khi các chính sách dần “ngấm” vào thực tế, đâu là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệ

Thị trường bất động sản 2024 tại Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến quan trọng với sự ra đời của những khuôn khổ pháp lý mới rõ ràng và minh bạch hơn đi kèm với những chính sách tác động tích cực từ trung ương tới địa phương.

Thị trường vẫn tiếp tục chứng minh được sức hấp dẫn mạnh mẽ khi diễn biến thị trường sôi động, nhiều dự án lớn được gỡ vướng góp phần giải quyết bế tắc về nguồn cung cho thị trường. Kèm theo đó, là giải pháp phát triển các dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Thực trạng bức tranh bất động sản năm 2024: 3 luật sớm có hiệu lực tạo động lực cho thị trường - Ảnh 1.

3 luật sớm có hiệu lực đã giúp thị trường bất động sản có động lực tăng trưởng mạnh. Ảnh: Thái Nguyễn

Hoàn thiện khung pháp lý là “bước đệm” cho thị trường bất động sản bứt phá

Một trong những yếu tố quan trọng tác động lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản là sự cải thiện về mặt pháp lý, khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Trong đó, điểm nổi bật trong Luật Đất đai 2024 là quy định loại bỏ khung giá đất, thay vào đó áp dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, giúp giảm khoảng cách giữa giá đất thực tế và giá đất theo quy định.

Luật Nhà ở 2023 đã mở rộng phạm vi các đối tượng được mua và thuê nhà ở xã hội, đồng thời hỗ trợ chính sách cho phân khúc nhà ở bình dân. Đặc biệt, các căn hộ chung cư mini cũng sẽ được cấp sổ hồng, tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở một cách hợp pháp.

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định thắt chặt quản lý hoạt động môi giới bất động sản, yêu cầu các nhà môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Quy định mới này sẽ loại bỏ nhiều môi giới bất động sản không chuyên, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tuân thủ đúng chủ trương của Chính phủ.

Thực trạng bức tranh bất động sản năm 2024: 3 luật sớm có hiệu lực tạo động lực cho thị trường - Ảnh 2.

Biểu đồ: Dân Việt tổng hợp

Nhiều chuyên gia nhận định, việc 3 luật liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản được nghiên cứu sửa đổi và ban hành cùng thời điểm có thể tạo ra tính thống nhất trong quy định, khắc phục một số trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo như đã xảy ra trước đây.

Đặc biệt, các dự án trước đây bị ách tắc vì vướng phải các thủ tục pháp lý nay có thể triển khai thuận lợi hơn, giúp tăng nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Pháp lý rõ ràng không chỉ giúp các chủ đầu tư dễ dàng triển khai dự án mà còn tạo ra một môi trường minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và khách hàng.

Việc áp dụng sớm 3 luật sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì có thể xử lý được nhiều vướng mắc pháp lý của dự án bất động sản.

Chủ tịch HoREA chia sẻ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM chia sẻ, các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản thì 70% liên quan đến pháp lý. Thực tế, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước năm 2023 có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc chủ yếu về mặt pháp lý.

Theo số liệu mới nhất từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản nhà ở năm 2024 tăng trưởng mạnh khi ghi nhận 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, nhiều dự án "giải phóng" được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi.

Nhìn chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận gần 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp 3 lần năm 2023.

Thực trạng bức tranh bất động sản năm 2024: 3 luật sớm có hiệu lực tạo động lực cho thị trường - Ảnh 3.

Hành lang pháp lý: Nền tảng cho sự phát triển bất động sản bền vững. Ảnh: Thái Nguyễn

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các bộ Luật mới góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến là nhằm giải quyết các vướng mắc.

Nhiều chuyên gia bất động sản cũng nhận định việc giải quyết các vấn đề pháp lý là điều kiện tiên quyết để tăng tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chính sự cải thiện này đã đẩy lượng giao dịch bất động sản tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm 2025.

Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên, trong đó vẫn ghi nhận một lượng đầu cơ nhất định.

Ba bộ Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật kinh doanh bất động sản 2023 sau 6 tháng đi vào cuộc sống đã và đang có nhiều tác động sâu sắc đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, cho rằng: Kể từ khi 3 bộ luật kể trên có hiệu lực vào cuộc sống thì thị trường bất động sản đã phát ra nhiều tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ở nước ta vẫn chưa có sự đột biến và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, 11/2 tới đây, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt sẽ tổ chức tọa đàm "Bất động sản 2025 - Tìm cơ hội trong thách thức"

Tại tọa đàm, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng nhau đánh giá, nhận diễn rõ các khó khăn cũng như tiềm năng, cơ hội của thị trường bất động sản trong năm 2025 khi bộ 3 luật đang dần "ngấm" vào cuộc sống. Tọa đàm hứa hẹn sẽ là một sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.